Phong trào Hiến_chương_77

Tham dự vào phong trào gồm nhiều nhóm có quan điểm chính trị khác nhau, có cả đảng viên Đảng Cộng sản, cũng như những người chống đối đảng này, những người vô thần, hoặc theo các đạo Ki tô giáo cũng như các đạo khác. Những người nổi tiếng khác của phong trào còn có nhà xã hội học Rudolf Battěk hay triết gia kiêm toán học gia Václav Benda.
Mục đích của phong trào, mỗi năm bầu 3 người phát ngôn viên, là có được những cuộc đối thoại với những người đại diện cho chính quyền. Phong trào sẽ cho ý kiến về các vấn đề xã hội, trong nghề nghiệp, tự do đi lại, bảo vệ môi trường, tự do tiến ngưỡng... và đòi hỏi phóng thích những tù nhân chính trị. Họ ghi nhận và loan báo các vụ vi phạm nhân quyền và đưa ra các đề nghị giải quyết. Một trong những hoạt động khác là in ra các sách hay các bài bị cấm, thí dụ như các dịch phẩm của các tác phẩm của các tác giả như Orwell, Koestler, những tác phẩm của các nhà văn Tiệp Khắc cũng như những người khác hoặc đã di cư hoặc bị xem như là không có tồn tại. Trong văn bản viết về việc thành lập hiến chương cũng viết về phong trào và thành viên của nó: "Hiến chương 77 không phải là một tổ chức, không có điều lệ, không có những bộ phận thường trực, không có những thành viên được tổ chức. Bạn tự nhiên là thành viên, nếu bạn cùng đồng ý với ý tưởng của nó, tham dự vào những việc làm của phong trào và ủng hộ, giúp đỡ nó. Hiến chương 77 không phải làm một nền tảng cho một hoạt động chính trị đối lập. Nó chỉ muốn phục vụ cho lợi ích của tập thể như những sáng kiến của người dân tại Tây và Đông Âu."
Trong số những người ký tên còn có: Petr Pithart (cựu Chủ tịch Thượng nghị viện và sau này là cựu thủ tướng), Václav Malý (tổng giám mục tại Prag), nhà xã hội học Jiřina Šiklová và nhà văn Josef Hiršal, Zdeněk Mlynář (Chính trị gia), tổng bí thư ủy ban trung ương đảng Cộng sản năm 1968, Ludvík Vaculík, tác giả của Tuyên ngôn với 2000 chữ và triết gia Milan Machovec, những người đóng vai trò quan trọng trong sự cố mùa xuân Praha.
Về nội dung những người ký tên vào Hiến chương muốn gây sự chú ý về các vi phạm nhân quyền, tạo ra các cơ cấu tổng quát để bảo vệ quyền của mỗi cá nhân và đóng vai trò trung gian khi có mâu thuẫn. Sau này ủy ban Helsinki Tiệp Khắc, thành lập vào năm 1988, đảm nhận vai trò này.Hiến chương đạt được nhiều hưởng ứng tại Tây Âu (nơi nhiều tài liệu của hiến chương được công bố) cũng như trong giới bất đồng chính kiến tại Ba Lan, Hungary, và Đông Đức.
Năm 1978 một nhóm độc lập từ những người ký tên cho phát hành tờ báo "Tin tức về Hiến chương 77". Cho tới 1989 Hiến chương 77 công bố tổng cộng 572 văn kiện về những vi phạm nhân quyền, về tình hình của nhà thờ tại Tiệp Khắc, về những vấn đề như hòa bình, bảo vệ môi trường, triết học và về lịch sử.
Một tổ chức mà thực sự phát xuất từ Hiến chương 77 là Ủy ban bảo vệ những người bị ngược đãi phi pháp vào năm 1978.
Hiến chương cho tới 1989 đã đóng vai trò nổi bật, cho phương Tây và cả người Tiệp Khắc biết về tình hình thực sự ở Tiệp Khắc và tạo một "sân chơi", nơi mà mọi người có thể thảo luận tự do. Nhờ sự hiến thân của những người ủng hộ và tiếng tăm của Hiến chương, cuộc Cách mạng Nhung năm 1989 đã xảy ra một cách yên bình, nhiều người trong Hiến chương đã đạt được các chức vụ chính trị cao trong chính quyền mới.
Năm 1992 Hiến chương 77 chấm dứt chính thức công việc của mình.